Trong chừng mươi năm trở lại đây, du khách đến Trà Vinh thường được nghe giới thiệu về một sản phẩm đang “hot” trên thị trường, một sản phẩm nghe quen nhưng cũng rất lạ có xuất xứ huyện Cầu Kè thuộc tỉnh Trà Vinh, đã trở thành niềm tự hào của người Trà Vinh bởi không đâu trên đất nước Việt Nam có loại sản phẩm độc đáo này: Dừa “sáp”.
Về hình dáng, dừa sáp giống như quả dừa bình thường nhưng là loại đặc ruột, cơm dày, mềm dẻo và béo hơn dừa thường, nước dừa đặc sệt trong veo như sương sa. Một trái dừa sáp hiện nay được bán với giá tầm 150.000 đồng, có nơi có nơi còn lên đến 300.000 đồng, trong khi giá của một trái dừa thường chỉ giao động từ 6.000-12.000 đồng/trái.
Những người nông dân ở Cầu Kè, Trà Vinh cho biết dừa sáp trồng 3-4 năm sẽ cho quả.
Mỗi cây dừa sáp mỗi năm chỉ cho vài chục quả, nhưng trong số này chỉ có khoảng 1/3 có sáp, những trái còn lại là dừa thường và giá trị thương mại chỉ ngang với những trái dừa sáp.
Giá cây giống dừa sáp nuôi cấy phôi đang được bán lên tới 900.000 đồng/cây trong khi các giống dừa phổ thông chất lượng cao hiện nay bán chỉ 50.000 – 60.000 đồng/cây.
Dừa sáp có thể xay làm sinh tố, làm thạch dừa mứt dừa, kem dừa... rất ngon và bổ dưỡng.
Niềm tự hào của người Trà Vinh
Dừa sáp hay còn gọi dừa kem có tên khoa học là Makapuno, một loại dừa tuy về hình thức không có gì khác biệt so với những trái dừa khác nhưng do đột biến gène hoặc điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết…, đã cho ra một loại trái mà bên trong cơm rất dày và mềm dẻo như bột quánh lại, có khi choán gần hết phần không gian bên trong gáo Dừa. Nước cũng rất ít, sền sệt và trong như sương sa. Cái tên “dừa sáp” quả đã diễn tả khá sinh động tình trạng của cơm dừa bên trong.
Theo qui luật phát triển của cây dừa, khi trái còn non thì cơm mềm dẻo và nước ngọt, đến khi trái già thì cơm dày cứng, nước lạt và có ga. Ở cây dừa sáp, nếu chỉ thu hoạch để uống nước thì phần cơm, nước bình thường như bao trái dừa khác, nhưng để qua giai đoạn lấy nước thì cơm dừa sáp tiếp tục phát triển dày lên gần đầy khoang trống. Dừa sáp có độ tinh dầu và hàm lượng dinh dưỡng cao hơn dừa thường với hương vị đặc trưng.
Căn cứ vào hình dạng và màu sắc của trái, người ta đã phân dừa sáp Cầu Kè thành năm loại: Dừa sáp tròn, Dừa sáp dài, Dừa sáp có cạnh, Dừa sáp vỏ xanh, Dừa sáp vỏ vàng.
Thực tế tùy vào mỗi loại mà có độ cơm dừa dày, mỏng khác nhau. Để phân biệt trái dừa thường và dừa sáp, người ta phải lột vỏ - nếu dừa thường khi gõ vào nghe tiếng "tưng tưng" thì dừa sáp khi gõ vào lại nghe âm "cọc cọc"...
Dừa sáp có thương hiệu từ bao giờ?
Nguyên vào năm 1942, một vị sư cả người Khmer khi sang thăm Battambang đã được mời uống một thứ nước dừa rất ngon, đến khi trở về ông đã mang theo được 2 cây giống của loại dừa độc đáo này. Trong những năm 60 của thế kỷ trước, có người đã xin được giống dừa này từ vị sư cả chùa Chợ (chùa Bô-tum Sa-cao) và đưa về trồng tại giồng Cây Xanh, cách thị trấn Cầu Kè chừng 4km.
Cho tới đầu những năm 2000, dừa sáp chỉ là thứ “ăn chơi” của người dân địa phương, không có giá trị về kinh tế bởi bán không có thương lái nào chịu mua, thậm chí có lúc người ta còn phải chặt bỏ loại cây này vì choán chỗ.
Do huyện Cầu Kè có nhiều điểm tổ chức Vu Lan thắng hội định kỳ hàng năm và thu hút khá đông khách hành hương đến từ nhiều địa phương khác, một số nhà vườn đã vận dụng dịp lễ này để bán dừa sáp như một hình thức tận thu. Với tài chế biến của các quán nước và hương vị ngon lạ đặc trưng, món dừa sáp đã thực sự chinh phục thực khách và được truyền miệng, lâu dần trở thành “món ngon phải nếm” cho bất cứ ai mỗi khi có dịp đến Cầu Kè.
Lên ngôi “Ông hoàng” của trái cây
Vậy là từ chỗ thấy lạ lẫm, hương vị ngon và trồng để ăn chơi hay làm quà biếu, chỉ trong một thời gian ngắn dừa sáp Cầu Kè đã nhanh chóng trở thành một loại đặc sản, một thương hiệu nổi tiếng đem lại niềm tự hào cho người dân tỉnh Trà Vinh và cải thiện cuộc sống của hàng trăm hộ dân huyện Cầu Kè. Tuy giá dừa sáp cao ngất ngưỡng nhưng nhờ hương vị độc đáo, “tiếng lành đồn xa” nên khách du lịch đến Trà Vinh ai cũng muốn thưởng thức và còn mua về tặng người thân, bạn bè…