Đồng chí Phạm Minh Truyền, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng phát triển sản phẩm OCOP, thương hiệu, truy suất nguồn gốc sản phẩm và phát triển thương mại điện tử tỉnh (BCĐ) của tỉnh cho biết: hiện toàn tỉnh có 184 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, của 118 chủ thể (72 hộ kinh doanh, 20 công ty, 05 doanh nghiệp (DN), 19 hợp tác xã (HTX) và 02 tổ hợp tác (THT)). Phần lớn các sản phẩm được công nhận, các chủ thể đều có kế hoạch, định hướng phát triển nguồn nguyên liệu để nuôi sản phẩm. Đây được xem là yếu tố “sống - còn” của sản phẩm.
Công nhân của Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè, xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè phân loại sản phẩm của Công ty.
Điển hình như sản phẩm dừa sáp sợi của Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè, ngày 17/5/2023, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cấp Trung ương, họp, đánh giá, tuyển chọn các sản phẩm căn cứ vào Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg và Quyết định số 781/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: tính đặc trưng, tiêu biểu của sản phẩm, yếu tố cộng đồng và câu chuyện sản phẩm; chất lượng bao bì, mẫu mã sản phẩm (tính độc đáo, sáng tạo bao bì sản phẩm, thân thiện với môi trường)... qua đó, công nhận 19 sản phẩm (nhóm thực phẩm) OCOP 5 sao, tỉnh Trà Vinh có 03 sản phẩm: mật hoa dừa và đường hoa dừa của Công ty TNHH Trà Vinh Farm; sản phẩm dừa sáp sợi - VICOSAP của Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè.
Đối với sản phẩm dừa sáp sợi của Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè, không những có nguồn nguyên liệu dồi dào, đạt 05 sao, mà ngày 20/5/2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập (2013 - 2023), dịp này, Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam đã công bố Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè (VICOSAP) xác lập kỷ lục Việt Nam, vì đã thực hiện chế biến sâu trái dừa sáp thành hệ thống nhiều dòng sản phẩm nhất, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị đặc sản dừa sáp Cầu Kè - Trà Vinh.
Ông Trần Duy Linh cho biết, Công ty đã tạo nhiều sản phẩm từ trái dừa sáp là vì muốn nhiều người tiếp cận được dừa sáp Cầu Kè; đây là loại dừa đặc trưng có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao của Trà Vinh. Để làm được như vậy, Công ty đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền chế biến quy mô lớn thường xuyên cải tiến chất lượng, cho ra đời những sản phẩm mới hơn, ngon hơn. Dự kiến, Công ty sẽ đăng ký để được xác lập kỷ lục châu Á và kỷ lục thế giới.
Nguồn nguyên liệu để giữ sản phẩm luôn được các chủ thể sản phẩm OCOP quan tâm: đối với nguyên liệu của Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè, dừa sáp hiện nay không riêng nông dân Cầu Kè trồng được, mà có mặt ở nhiều địa phương khác trong tỉnh; Công ty xây dựng mạng lưới thu mua, kết nối với các cơ sở có nguồn nguyên liệu nhiều để sản xuất, chế biến sản phẩm.
Vấn đề nguồn nguyên liệu giữ sản phẩm OCOP, ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: từ giá trị kinh tế của dừa sáp, Sở phối hợp với một số cơ quan chuyên môn không ngừng phát triển diện tích và vùng chuyên canh. Hiện toàn tỉnh có gần 750ha, tập trung ở huyện Cầu Kè và Châu Thành. Nông dân trồng dừa sáp cho giá trị kinh tế cao, nhiều sản phẩm được chế biến từ dừa sáp, nên “cung thiếu cầu”. Vì thế, tỉnh tập trung phát triển ổn định 750ha dừa sáp đặc sản, đăng ký chỉ dẫn địa lý cho dừa sáp Cầu Kè, đầu tư nghiên cứu giống dừa mới cho tỷ lệ sáp cao hơn. Mở rộng diện tích trồng và cải tạo dừa bị lão hóa khoảng 5.000ha tại các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chiến lược phát triển sản xuất và chế biến của DN.
Trong đó, nhiệm vụ thu hút đầu tư và hỗ trợ các DN, tạo liên kết để phát triển bền vững các chuỗi sản phẩm dừa trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ hàng đầu, đặc biệt phát triển vùng nguyên liệu dừa ở các địa phương có tiềm năng, vùng tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm với DN đầu chuỗi. Tiếp tục phối hợp với tỉnh Bến Tre và các trường đại học để nghiên cứu chọn giống tốt, năng suất cao, phù hợp với thị trường, mục tiêu của DN đầu chuỗi nhằm nhân rộng, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Điển hình là Đề tài dừa sáp cấy phôi vừa thích ứng được với nhiều môi trường thổ nhưỡng, vừa cho năng suất trái sáp cao, chất lượng sáp đến 97% của Trường Đại học Trà Vinh, đã nghiên cứu, thực hiện thành công nhân giống dừa sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi, nuôi cấy mô. Dừa sáp cấy phôi không thay đổi giống cây, chỉ thay đổi phương pháp nhân giống. Phương pháp nuôi cấy phôi là sử dụng phôi hữu tính từ trái sáp, nuôi cấy in vitro trong môi trường nhân tạo. Dừa sáp cấy phôi cho trái đến 80%, nếu trồng tập trung có thể đạt 90%. Ngoài ưu điểm tăng chất lượng sáp, dừa sáp cấy phôi còn có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu, cho chất lượng sáp ổn định.
Đồng chí Huỳnh Công Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Càng Long cho biết, toàn huyện hiện có 28 sản phẩm OCOP, trong đó có 27 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao và 01 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 4 sao. Định hướng cho phát triển sản phẩm OCOP, huyện luôn chú trọng phát triển sản phẩm OCOP gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liêu, nhằm “nuôi” sản phẩm theo hướng bền vững.
Để thực hiện hiệu quả Chương trình “Mỗi xã 01 sản phẩm OCOP”, từng bước nâng tầm giá trị sản phẩm nông sản, tăng thu nhập cho người sản xuất, BCĐ huyện định hướng cho các địa phương, tổ chức, cá nhân chọn sản phẩm nổi trội, có thế mạnh, đăng ký tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP.
Cùng với đó, ngành chuyên môn thường xuyên hỗ trợ giúp các chủ thể phát triển nguồn nguyên liệu. Trong đó, chú trọng đến các sản phẩm OCOP mà HTX, THT là chủ thể. Do vậy, quá trình triển khai chương trình OCOP với các chủ thể, cử chuyên viên nông nghiệp xuống cơ sở tư vấn, hỗ trợ ngoài hoàn thành hồ sơ biểu mẫu, các yêu cầu pháp lý, minh chứng đủ điều kiện tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP; luôn quan tâm đến nguồn nguyên liệu.
HTX quýt đường Thuận Phú, xã Bình Phú, huyện Càng Long, có sản phẩm quýt đường được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao (sản phẩm quýt đường đã có chứng nhận VietGAP). Vừa qua, HTX tổ chức Đại hội thường niên năm 2023; HTX có 67 thành viên, vốn điều lệ là 300 triệu đồng, ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính là sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (chủ yếu là cây ăn trái: quýt đường, cam xoàn,…) và cung ứng một số dịch vụ nông nghiệp cho các thành viên HTX…
Để có nguồn nguyên liệu “nuôi” sản phẩm, Đại hội thảo luận, thống nhất và thông qua phương án sản xuất, kinh doanh tăng vốn điều lệ lên 700 triệu đồng, phấn đấu phát triển diện tích quýt đường từ 05ha/năm trở lên. Song song đó, chú trọng ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất; đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất và tạo sản phẩm của HTX từ các sản phẩm của thành viên; nâng cao năng lực tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN (Báo Trà Vinh)